Phương pháp học tốt ngữ pháp tiếng Nhật

 

Đối với những bạn mới tiếp xúc với tiếng Nhật, có lẽ việc nhớ bảng chữ cái, làm quen với từ vựng và cách viết Hán tự là mối quan tâm lớn nhất. Tuy nhiên, theo mình nghĩ thì NGỮ PHÁP mới chính là điểm quan trọng nhất nếu bạn muốn giao tiếp và diễn đạt một cách trôi chảy.

Hãy tưởng tượng về một người lúc nói chỉ sử dụng các từ vựng chứ không tạo thành câu. Họ sẽ giống như những người nói tiếng bồi, hay tệ hơn bạn sẽ thấy họ giống như một đứa trẻ mới tập nói, tập viết.

Chính vì vậy, nếu không đầu tư vào việc học NGỮ PHÁP, bất chấp bạn có nhiều từ vựng đến đâu, người ta vẫn sẽ xem bạn như những ĐỨA TRẺ.

Tuy nhiên, vấn đề là NGỮ PHÁP tiếng Nhật có vẻ rất nhiều, khó, dễ trùng lặp với nhau.

Vậy làm thế nào để có thể NHỚ và PHÂN BIỆT rành mạch những mẫu ngữ pháp này?

 

1. Tập suy nghĩ theo cách người Nhật

Nếu bạn đã từng ít nhiều học qua tiếng Nhật, bạn sẽ thấy rằng ngữ pháp của tiếng Nhật ngược so với tiếng Việt. Đây có thể là một khó khăn cho những bạn bắt đầu học tiếng Nhật. Tuy nhiên bạn hãy cố gắng luyện tập cho não của mình làm quen với cách suy nghĩ ngược này. Và cách tốt nhất để luyện tập đó là cố gắng đọc và hiểu các giải thích ý nghĩa, cách dùng... của những mẫu ngữ pháp bằng chính tiếng Nhật, ĐỪNG CỐ GẮNG DỊCH NGHĨA của mẫu ngữ pháp đó sang tiếng Việt mà thay vào đó, hãy liên hệ với các mẫu đơn giản hơn bạn đã học trước đó. Bởi nếu bạn nhớ tiếng Nhật (hay bất cứ ngôn ngữ nào khác) bằng cách nhớ một từ tiếng Việt tương đương, khi muốn sử dụng một câu tiếng Nhật nào đó, não bạn phải làm thêm thao tác dịch ngược, sắp xếp chữ trước khi có thể đưa ra một câu tiếng Nhật hoàn chỉnh, như vậy khả năng vận dụng tiếng Nhật của bạn sẽ không thể linh hoạt được. Có thể lúc đầu khi vốn tiếng Nhật còn ít, bạn sẽ gặp khó khăn khi muốn học một mẫu ngữ pháp mới. Những lúc như vậy, bạn hãy áp dụng phương pháp 2 ở dưới đây.

 

2. Học ngữ pháp theo ví dụ

Khi học một mẫu ngữ pháp mới, các bạn thường cố gắng nhớ mẫu ngữ pháp theo cách rất rời rạc: nhớ mẫu ngữ pháp, nhớ cách thành lập và nhớ ý nghĩa của mẫu ngữ pháp đó. Như vậy 1 mẫu ngữ pháp bạn sẽ phải ghi nhớ 3 thứ, ngoài ra, lúc ôn tập sẽ rất vất vả vì phải ôn tập lại cả 3 thứ đã học như trên. Thay vào đó, khi học một mẫu ngữ pháp, bạn nên học theo ví dụ. Nếu bạn thuộc lòng ví dụ của mẫu ngữ pháp đó bạn có thể từ đó suy ra cách ghép, nhớ mẫu ngữ pháp và cả ý nghĩa của mẫu đó. Mấu chốt là bạn phải cố gắng tìm một ví dụ nào đó thật ấn tượng, thật dễ nhớ hoặc những ví dụ thường gặp trong cuộc sống hàng ngày để mỗi lần nghe thấy bạn có thể ôn tập nó lại nhiều lần.

Hãy tìm những câu ví dụ ngắn gọn, ấn tượng để có thể ôn lại bất cứ lúc nào khi cần. Như vậy vừa tiết kiệm thời gian khi học, vừa có thể ôn lại nhiều lần bất cứ khi nào có thể.

3. Học, vận dụng và ôn tập hàng ngày

Nhớ mẫu ngữ pháp bằng ví dụ và dùng ví dụ đó vào trong sinh hoạt hằng ngày.

Học 3 - 5 mẫu ngữ pháp mới mỗi ngày.

Ôn lại tất cả những mẫu đã học trước khi học mẫu mới.

Ghi danh sách những mẫu đã học ra sổ tay, nhìn vào ôn tập lại mỗi khi có thời gian rảnh.

Mẫu nào quên thì đừng dở sách ra ngay mà cố gắng nhớ lại ví dụ của mẫu đó.

ĐỪNG câu nệ ngữ pháp bạn học được là ngữ pháp N3 hay N2, N1. Nếu các bạn để ý kĩ thì cách thành lập của hầu hết các mẫu ngữ pháp đều dựa trên nền tảng là ngữ pháp sơ cấp. Như vậy chỉ cần nắm vững ngữ pháp sơ cấp, bạn có thể học mọi mẫu ngữ pháp từ N3 trở lên.

 

 

1
Chat với chúng tôi